Xã Tam Hưng có diện tích tự nhiên 2.945 ha, trong đó diện tích canh tác chiếm 2.040,5 ha. Địa hình tiêu thoát nước chia làm hai vùng chính: vùng tiêu ra kênh Yên Cốc (901,7 ha) và vùng tiêu ra sông Nhuệ (2.035,3 ha). Hệ thống hạ tầng phục vụ công tác thủy lợi gồm 14 trạm bơm với 51 máy có công suất từ 1.000 đến 7.800 m³/giờ, 23 cống và xi phông các loại, 21 tuyến kênh tưới tiêu dài hơn 52 km. Đa số các công trình hiện đang được bảo dưỡng tốt, đảm bảo vận hành khi cần thiết.
Tuy nhiên, xã vẫn còn một số tồn tại như năng lực tiêu úng của một số trạm bơm chưa phát huy hết do quy hoạch tiêu thoát chưa đồng bộ, một phần bị ảnh hưởng bởi việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các dự án đô thị, giao thông cắt ngang dòng chảy tự nhiên.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2025 có thể xuất hiện nhiều cơn bão với hướng di chuyển bất thường, mưa lớn cục bộ, áp thấp nhiệt đới dày đặc. Giai đoạn cuối tháng 6, đầu tháng 7 có thể xảy ra hạn đầu vụ, trong khi cuối tháng 7 và đầu tháng 9 dự báo mưa nhiều, gây úng ngập khi lúa đang giai đoạn mới cấy hoặc trỗ đòng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Xác định rõ tính bất thường và khẩn cấp của thiên tai, phương án phòng chống thiên tai nhấn mạnh tinh thần chủ động, linh hoạt và phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng, chỉ huy, vật tư, hậu cần). Trong công tác tiêu úng, yêu cầu triển khai tiêu nước đệm trước mưa, mở toàn bộ các cống, tranh thủ tiêu tự chảy kết hợp máy bơm. Trong tình huống nước sông dâng nhanh, phải trực 24/24 tại các cống để ngăn nước tràn ngược vào đồng. Về tưới, chỉ đạo lấy nước hợp lý, tránh lấy nước tràn lan gây úng giả tạo, nhất là trong giai đoạn đầu vụ và dưỡng lúa.
UBND xã huy động toàn bộ lực lượng dân quân, xung kích các thôn, phối hợp chặt chẽ với Đội thủy nông Bình Đà và Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi La Khê để đảm bảo sẵn sàng khi có tình huống xảy ra. Danh mục vật tư dự phòng đã được chuẩn bị gồm: 3.000 bao tải dứa, 200 cây tre, 100 tấm phên nứa, 1.000 m³ đất đắp, cùng các thiết bị chiếu sáng và áo phao.
Các đội vận hành máy bơm, công nhân thủy nông, kỹ thuật viên đều được phân công cụ thể tại từng trạm, tuyến kênh, cống lớn. Các địa phương trong xã có kế hoạch lắp đặt tổ máy dã chiến từ đầu tháng 6 để hỗ trợ kịp thời khi cần thiết.
Hệ thống liên lạc giữa xã và các đội thủy nông, xí nghiệp thủy lợi được thiết lập thường trực 24/24. Trong suốt mùa mưa bão, các thành viên Hội đồng tiêu nước và Ban chỉ huy PCTT & TKCN sẽ trực chiến tại vị trí trọng yếu, xử lý sự cố theo đúng kịch bản đã phê duyệt. Sau mùa bão, xã sẽ tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm để điều chỉnh, nâng cấp phương án cho năm tiếp theo.
Phương án PCTT & TKCN năm 2025 của xã Tam Hưng thể hiện rõ tinh thần chủ động, phối hợp liên ngành và bám sát thực tiễn địa phương. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về phương tiện, nhân lực và kịch bản ứng phó, địa phương quyết tâm bảo vệ sản xuất nông nghiệp và an toàn cho nhân dân trong mùa mưa bão 2025.