Tại hội nghị do đồng chí Bùi Đình Thái – Chủ tịch UBND xã Tam Hưng chủ trì, với sự tham dự của lãnh đạo các phòng chức năng, cán bộ quản lý của 13 trường học trên địa bàn, các nội dung trọng tâm liên quan đến tổ chức bán trú và thực hiện chính sách hỗ trợ được đưa ra bàn thảo, đánh giá nghiêm túc, nhằm nâng cao hiệu quả trong năm học mới.
Đồng chí Bùi Đình Thái – Chủ tịch UBND xã Tam Hưng phát biểu chỉ đạo
Chính sách nhân văn, hướng tới phát triển toàn diện học sinh Thủ đô
Theo Nghị quyết được HĐND thành phố Hà Nội thông qua, học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố sẽ được hỗ trợ tiền ăn bán trú theo hai mức: 30.000 đồng/học sinh/ngày đối với học sinh tại các xã miền núi và bãi giữa sông Hồng; 20.000 đồng/học sinh/ngày đối với các khu vực còn lại, trong đó có xã Tam Hưng.
Dự kiến toàn thành phố sẽ có khoảng 768.000 học sinh tiểu học được thụ hưởng chính sách, với tổng kinh phí khoảng 3.063 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Đây là chính sách lớn, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Trung ương và thành phố trong việc chăm lo học đường, bảo đảm dinh dưỡng và sức khỏe thể chất cho học sinh – thế hệ tương lai của đất nước.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã Bùi Đình Thái nhấn mạnh: "Việc thực hiện chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh là một bước cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị tiếp xúc cử tri ngày 17/4/2025, thể hiện sự ưu tiên hàng đầu cho giáo dục. Xã Tam Hưng xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và cần có cách làm chủ động, hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn địa phương."
Tình hình tổ chức bán trú tại xã Tam Hưng
Xã Tam Hưng hiện có 13 trường học các cấp, gồm 5 trường mầm non, 4 trường tiểu học và 4 trường THCS, với tổng số 772 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong năm học 2025–2026, toàn xã dự kiến có 3.120 học sinh tiểu học, 1.024 trẻ mầm non và 2.828 học sinh THCS.
Đối với bậc Mầm non, 100% (5/5 trường) tổ chức nấu ăn tại trường với đội ngũ cô nuôi được đào tạo, có biên chế ổn định. Quy trình chuẩn bị và phục vụ bữa ăn được thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, đảm bảo an toàn thực phẩm và dinh dưỡng cho trẻ.
Đối với bậc Tiểu học, hiện có 935/3.120 học sinh tham gia ăn bán trú, chiếm khoảng 30%, với hình thức tổ chức đa dạng. Hai trường có bếp nấu tại chỗ (Mỹ Hưng và Tam Hưng) do công ty cung cấp đầu tư bếp ăn, tổ chức nấu trực tiếp. Hai trường còn lại (Thanh Văn và Thanh Thùy) nhận suất ăn từ đơn vị cung cấp vận chuyển từ trường lân cận.
Đơn vị cung cấp suất ăn hiện tại là Công ty An Thịnh và Công ty Nhật Anh, đều có hợp đồng cụ thể và được giám sát định kỳ bởi các ban ngành liên quan.
Tuy đã đạt nhiều kết quả tích cực, song việc tổ chức bán trú tại các trường tiểu học trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế, như tỷ lệ học sinh ăn bán trú chưa cao, 2/4 trường tiểu học chưa có bếp ăn tại chỗ, việc giám sát chất lượng suất ăn vẫn chủ yếu phụ thuộc vào đơn vị cung cấp.
Trước thực tế này, UBND xã Tam Hưng đã chỉ đạo: Tăng cường tuyên truyền tới phụ huynh học sinh về lợi ích của việc cho con tham gia ăn bán trú, để nâng cao tỷ lệ học sinh hưởng thụ chính sách hỗ trợ. Ưu tiên hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, để các em được tiếp cận đầy đủ với điều kiện học tập và chăm sóc như các bạn cùng trang lứa.
Đồng chí Bùi Đình Thái khẳng định: "Chúng tôi sẽ vận dụng hiệu quả sự chỉ đạo của thành phố và các cấp ngành để đưa chính sách đến đúng người học, đúng mục tiêu. Tam Hưng cam kết không để học sinh nào bị thiệt thòi trong thụ hưởng chính sách hỗ trợ bữa ăn."
Chính sách hỗ trợ bữa ăn bán trú là một trong những bước đi thiết thực, thể hiện rõ cam kết chăm lo toàn diện cho học sinh từ kiến thức đến sức khỏe, thể chất và tinh thần. Với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, Tam Hưng đang nỗ lực từng ngày để nâng cao chất lượng giáo dục, đưa các trường học trên địa bàn trở thành môi trường giáo dục an toàn, hiện đại và hạnh phúc.